Banner
Trang chủ NGHIÊN CỨU & CGCN

Cách làm mới từ mô hình nuôi ong mật quy mô hộ gia đình tại huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang

18/12/2018 13:33 - Xem: 847
Thực hiện quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018 của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thực hiện quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018 của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên được giao nhiệm vụ "xây dựng mô hình nuôi ong mật quy mô hộ gia đình tại huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang" với mục tiêu:Xây dựng được mô hình nuôi ong mật quy mô hộ gia đình để khai thác có hiệu quả điều kiện tự nhiên của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang; Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật “Nuôi ong mật quy mô hộ gia đình” tới người dân nhằm đa dạng hóa vật nuôi, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nông dân nghèo trong tỉnh Hà Giang;

TS. Bùi Đình Hòa - Chủ nhiệm dự án phát biểu khai mạc lớp tập huấn mô hình

Đến nay dự án đã được đoàn nghiệm thu của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao. Các mục tiêu ban đầu của dự án đã được thực hiện tốt. Đoàn cán bộ nghiệm thu đặc biệt đánh giá cao cách triển khai sáng tạo của dự án  mà điểm nhấn là việc hình thành nhóm hộ tham gia mô hình theo quy mô thôn. Cách làm cụ thể là: Thay vì việc phân tán  đàn ong về các hộ trong mô hình,các hộ dân tham gia mô hình và cán bộ xã,thôn đã đồng thuận đề xuất chọn điểm phù hợp về nguồn thức ăn để làm nơi nuôi ong tập trung của cả nhóm. Nhóm tự xây dựng quy chế nội bộ về chăm sóc,khai thác mật bán cho hợp tác xã theo thỏa thuận và tổ chức thực hiện theo bản quy chế này.

Đoàn cán bộ Cục Kinh tế hợp tác - Bộ NN &PTNT nghiệm thu mô hình

Với cách làm đó việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong mật giữa các hộ có kinh nghiệm và hộ nuôi ong lần đầu đã được thực hiện rất tốt,tránh được các rủi ro về kỹ thuật trong quá trình thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, việc nuôi tập trung theo nhóm đã tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã khi khai thác mật ong từ các hộ trong mô hình, việc quản lý đàn ong giống được dự án hỗ trợ cũng thuận lợi hơn. Theo quy chế, kết thúc vụ hoa bạc hà năm nay, các thùng ong lại được đưa về cho các hộ quản lý và chăm sóc vì khi đó các hộ đã thành thạo về kỹ thuật nuôi ong không còn lo lắng rủi ro về kỹ thuật nữa. Vụ hoa bạc hà năm nay, sản phẩm thu được đã cải thiện đáng kể cho kinh tế của các hộ tham gia mô hình. Mô hình sinh kế này sẽ góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo tại một địa phương còn nhiều khó khăn như xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Khoa KT & PTNT

BÀI VIẾT LIÊN QUAN