Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN

Cựu sinh viên trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên với mô hình khởi nghiệp trồng ớt Sweet Palermo

17/03/2024 08:46 - Xem: 534
Nghe đến ớt nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vị cay nồng của loại trái cây được dùng làm gia vị hay ớt chuông có mùi hăng dùng để xào nấu chứ ít ai có thể ăn cả cân mỗi lần với vị giòn ngọt hấp dẫn như giống ớt Sweet Palermo mới xuất hiện ở Việt Nam và được trồng chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng - nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, không phải đặt mua từ phương xa, người tiêu dùng đã có thể thưởng thức những trái ớt đặc biệt ngay tại mảnh đất Trung du khi mới đây, ớt Sweet Palermo đã được anh Hồ Quốc Khánh - kỹ sư nông nghiệp trẻ ở phường Nông Trang, thành phố Việt Trì trồng thành công và sản phẩm ngày càng được thị trường ưa chuộng.

Du học làm... nông dân

Không phải ngẫu nhiên, Hồ Quốc Khánh (sinh năm 1992) lại quyết định đưa giống ớt Sweet Palermo có xuất xứ từ Hà Lan về ươm trồng trên mảnh đất bãi ven đô ở xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Bởi đây là giống cây trồng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc và điều kiện khí hậu, nguồn nước tưới, dưỡng chất phát triển khá đặc thù với các loại cây trồng thông thường.

Dẫn chúng tôi thăm quan 2.000m2 nhà màng trồng ớt Sweet Palermo, ớt chuông, dưa chuột Maya, anh Khánh chia sẻ: “Ngay từ nhỏ tôi đã yêu thích nghề trồng trọt. Vì thế, khi lớn lên, tôi quyết tâm theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp và năm 2013 đã thi đỗ vào Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp, tôi đã đăng ký tham gia thực tập tại Israel theo chương trình hợp tác trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Nông - Lâm với một trường đại học nông nghiệp Israel - đất nước của nền nông nghiệp công nghệ cao top đầu thế giới với các phương pháp, dây chuyền sản xuất và những sản phẩm nông nghiệp hiện đại.

Công việc hàng ngày của tôi ở bên đó là chăm sóc cây trồng, thu hái, đóng gói các sản phẩm cây ăn quả như: Ớt chuông, chà là, dưa lưới, cà chua, dưa chuột... Lúc đầu tôi cũng nghĩ đơn giản là đi trải nghiệm cho biết, nhưng sau khi được tiếp cận với phương thức làm nông nghiệp sạch công nghệ cao của họ thì tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để mình tích luỹ kinh nghiệm”.

Cựu sinh viên Hồ Quốc Khánh trong thời gian thực tập tại Israrel

Sau một năm vừa học vừa làm ở Israel, anh Khánh được trả lương hơn 1.000 USD. Nhưng cái được lớn nhất là anh đã tiếp cận được công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, đặc biệt là công nghệ nước tưới ẩm hiện đại bậc nhất thế giới mà Israel đang sở hữu. Trở về nước, anh lại đăng ký tham gia chương trình học đào tạo chính quy chất lượng cao, có thực tập hưởng lương quốc tế tại Vương quốc Đan Mạch. Nếu đất nước Israel có công nghệ tưới ẩm là đỉnh cao thì ở Đan Mạch tự động hóa trong canh tác lại đứng đầu của thế giới. Hầu hết vùng chuyên canh rau, cây ăn trái, hoa và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của Đan Mạch đều được trồng trong nhà lưới, các khâu chăm sóc được tự động hóa, nên tốn rất ít công lao động. Ở đó, một người nông dân có thể làm hàng nghìn mét vuông rau, củ, quả rất nhẹ nhàng mà chất lượng sản phẩm vẫn vượt trội.

Những kiến thức học hỏi được từ nền nông nghiệp hiện đại của nước ngoài đã giúp anh Khánh định hình hướng đi tương lai cho mình. Năm 2020, chàng kỹ sư trẻ quyết định về nước lập nghiệp bằng cách đầu quân làm thuê cho các chủ vườn, trang trại, hợp tác xã mà không dự tuyển vào cơ quan Nhà nước hay Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo anh Khánh, đây cũng là “trường đại học” lớn để học tập, chuyển giao công nghệ tiên tiến, gây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, hiệu quả trên quê hương mình.

Ớt Sweet Palermo được trồng ngay tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Giống ớt được săn lùng

Sinh ra trong gia đình không liên quan đến nông nghiệp, cha mẹ đều là công nhân Nhà máy Thiếc Sơn Dương (Tuyên Quang), nhưng cái duyên đã khiến anh Khánh gắn bó với nghề nông. Sau thời gian làm việc tại Công ty TNHH Green Farm (Sơn Dương, Tuyên Quang), kỹ sư trẻ Hồ Quốc Khánh tiếp tục ký hợp đồng làm việc với Hợp tác xã Nông nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) sản xuất dưa kiếm Nhật bằng công nghệ cao cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh Hải Dương. Những trải nghiệm tích luỹ khi làm việc thực tế đã giúp anh quyết định bỏ “làm thuê”, về quê làm giàu. Giữa năm 2023, kỹ sư Hồ Quốc Khánh đã hợp tác với chủ sở hữu hệ thống nhà màng ở xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì đưa vào sản xuất vụ ớt chuông, ớt Sweet Palermo vụ đầu tiên. Xuống giống tháng 10/2023 đến tháng 1/2024, những trái ớt chín mọng đầu tiên đã được cho thu hoạch với chất lượng vượt dự kiến.

Sweet Palermo là giống ớt có nguồn gốc từ Hà Lan khi chín có bốn nhóm màu: Đỏ, vàng, cam và sô cô la tương đương với bốn hương vị khác nhau. Ớt khi chín có vị ngọt, đượm mùi thơm nên được dùng ăn tươi như các loại trái cây hoặc làm nước ép, các món salad, món trộn, món nướng. Loại ớt này có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Vitamin C trong ớt ngọt Sweet Palermocao gấp 3,8 lần quả cam và 1,7 lần kiwi. Ớt này có thời gian sinh trưởng và cho thu hoạch kéo dài trong khoảng bảy tháng, năng suất quả đạt từ 3,5 - 4kg/cây. Với năng suất canh tác của trang trại hiện nay khoảng 3-3,5 tấn/vụ cùng giá bán trung bình 130.000 đồng/kg, đạt doanh thu khoảng 300 triệu đồng/1.000m2.

Hệ thống nhà màng canh tác được bố trí khoa học. Toàn bộ diện tích trồng ớt đều sử dụng bằng những túi giá thể xơ dừa, bên trong được lắp đặt hệ thống ống tưới nhỏ giọt nhằm cung cấp nước tưới cùng chất dinh dưỡng cho cây. Bên dưới nền đất được phủ một lớp thảm nhựa, cách ly hoàn toàn với đất. Điều này giúp cho nhiều bệnh đối với cây trồng không xâm nhập được, tạo thành một lớp bảo vệ đối với cây trồng. Bên cạnh đó, để quản lý vườn cây, các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... cũng được anh điều chỉnh thông qua hệ thống thông minh, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất rất cao.

Hiện nay, sản phẩm ớt chuông, ớt Sweet Palermo được gia đình anh Khánh bán ở các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố và thông qua các trang mạng xã hội. Sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.

Chị Phạm Thị Kim Dung ở phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì tỏ ra khá thích thú khi lần đầu nhìn thấy quả ớt Sweet Palermo: “Là người chú trọng đến sức khoẻ của bản thân và gia đình, tôi hay tìm hiểu về các loại trái cây lành mạnh. Từ lần đầu được nếm thử loại ớt này đến nay, gần như tuần nào tôi cũng đặt mua về ăn dù giá ớt Sweet Palermo không hề rẻ. Ớt này khá dễ ăn, không hăng, có vị ngọt và thơm. Với giá trị dinh dưỡng cao lại được trồng ngay tại hệ thống nhà màng trong thành phố, tôi tin rằng sẽ ngày càng có nhiều người biết đến loại ớt ngọt như trái cây này”.

Không bằng lòng với những thành tựu bước đầu, anh Hồ Quốc Khánh đang tính toán đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản sạch, có nhãn mác truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các sản phẩm trái cây mình sản xuất ra, trong đó có ớt Sweet Palermo. Từ đó, mở rộng quy mô canh tác, khẳng định vị trí nông sản an toàn trong lòng người tiêu dùng. Cùng với đó, anh sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo hình thức từ xa cho các nhà vườn trong và ngoài tỉnh; xây dựng mối liên kết, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nguồn: Báo Phú Thọ

BÀI VIẾT LIÊN QUAN