Năm 2020, trường Đại học Nông Lâm Thái nguyên đã triển khai dự án "Xây dựng mô hình nuôi ong mật quy mô hộ gia đình" tại huyện Quảng Hòa tỉnh Cao Bằng gồm 36 hộ dân ở hai xã: xã Độc Lập và xã Quảng Hưng. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho ong mật, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, định hướng thị trường... Mô hình thành lập theo nhóm theo từng thôn và hoạt động dựa trên quy chế nội bộ nhóm xây dựng; các hộ cam kết chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình tham gia mô hình, thường xuyên cập nhật thông tin vào ghi chép thông tin về mô hình như: ngày khai thác mật, giá cả, công chăm sóc, số liệu thu nhập ….
Mô hình nuôi ong mật quy mô hộ gia đình tại huyện đã mang lại nhiều cơ hội thoát nghèo cho các hộ tham gia mô hình. Đến nay, mô hình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Đã tạo thêm việc làm cho gần 100 lao động của 36 hộ gia đình tham gia mô hình. Bước đầu cải thiện được kinh tế của người dân nhờ bán sản phẩm mật ong từ mô hình. Các hộ đã chủ động tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu của chính mình và của nhóm; tham gia vào quá trình theo dõi - đánh giá mô hình... giúp phát huy hiệu quả hỗ trợ từ phía cán bộ kỹ thuật của mô hình.
Cùng với việc thực hiện mô hình, dự án hỗ trợ giảm nghèo đã triển khai các nội dung như: Tập huấn kỹ thuật cho các hộ ngoài mô hình nhằm hướng đến việc nhân rộng mô hình sau khi dự án kết thúc; hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện dự án đối với cán bộ xã và thôn; tổ chức chia sẻ kinh nghiệm mô hình giảm nghèo; liên kết sản xuất theo chuỗi giữa các hộ trong mô hình và hợp tác xã trong khâu tiêu thụ mật ong cho các hộ... Kết quả thu được của mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảm nghèo của địa phương.Việc triển khai mô hình phù hợp với thực tế và nguyện vọng của người dân từ đó đã hỗ trợ tích cực cho các hộ gia đình trong quá trình nâng cao thu nhập,vươn lên thoát nghèo.
Đoàn Mai