Cuối năm 2016, ý tưởng “Chăn nuôi và trồng trọt tổng hợp sinh học chất lượng cao” của Pháp (28 tuổi) và Long (27 tuổi, cùng ở xã Ân Nghĩa) đã lọt vào vòng xét chọn 60 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo chung kết quốc gia (trong tổng số hơn 300 đề tài cạnh tranh) tại chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp iAngel”.
Làm theo kiểu... Nhật
|
Trước thắc mắc về việc đột ngột chuyển hướng nghề nghiệp, từ một cử nhân luật đến làm nông, Pháp trả lời ngay: “Là vì người Nhật đã cuốn hút tôi”. Trong suốt 2 năm làm việc với người Nhật, chàng thanh niên này đã ngộ ra rất nhiều điều, đặc biệt là mê công nghệ trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức hữu cơ tiên tiến của họ. Còn với Long, ám ảnh về những bữa chợ với thịt bẩn, rau bẩn tràn lan đã thôi thúc anh “phải làm điều gì đó, cho mình và cho cộng đồng”. Long vốn là nông dân thứ thiệt với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, còn Pháp lại có vốn kiến thức mới, sự am hiểu về luật, thị trường. Khi trao đổi vấn đề này, họ đã có sự kết nối chặt chẽ về ý tưởng, mục đích và tâm huyết với thực phẩm sạch.
Khi thuyết trình, dự án khởi nghiệp của Long và Pháp đã khiến khán phòng ồ lên thích thú. Đó là một mô hình chăn nuôi quy mô công nghiệp nhưng tuyệt đối nói không với thuốc kháng sinh và bất kỳ loại thức ăn công nghiệp nào. Chưa hết, 200 con heo lớn nhỏ, hơn 3.000 con gà, 20 con bò trong trang trại của đôi bạn này chỉ cần có một nhân công là Long chăm sóc, còn Pháp lo chạy vòng ngoài. “Mình đâu có làm gì nhiều đâu mà phải mướn người. Không phải tắm heo, không phải dọn phân hằng ngày. Nhưng đố bạn vào trang trại chúng tôi mà ngửi được mùi hôi thối. Sạch theo nghĩa đen, từ khâu thực phẩm đến chuồng trại và trên vật nuôi”, Long tự tin cho biết.
Sự lợi hại ấy nằm ở chế phẩm sinh học EM có nguồn gốc từ Nhật Bản. Trong chế phẩm này có khoảng 80 loài vi sinh vật kỵ khí và hiếu khí thuộc các nhóm: vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, nấm men, nấm mốc, xạ khuẩn. 80 loài vi sinh vật này được lựa chọn từ hơn 2.000 loài được sử dụng phổ biến trong công nghiệp thực phẩm và công nghệ lên men, giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa và còn làm chất thải mất mùi, mùn hóa… Cả hai dùng chế phẩm EM để chế biến, ủ thức ăn cho vật nuôi và xịt lên phân định kỳ nhằm loại bỏ mùi hôi và các vấn đề ô nhiễm liên quan.
Sạch nhưng không đắt
Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, dự án còn triển khai mô hình trồng rau, ngũ cốc sạch với diện tích 6 ha. Như vậy, đầu vào là thức ăn chăn nuôi không những chủ động mà còn đảm bảo sạch, không thuốc hay hóa chất trừ sâu, giá thành tính ra còn rẻ hơn phân nửa (7.000 đồng/kg) so với cám công nghiệp (từ 14.000 đồng/kg trở lên). Nhằm bổ sung đạm cho vật nuôi, Long và Pháp còn có một khu nuôi trùn quế để trộn vào thức ăn mỗi ngày. Chưa dừng lại ở đó, hai bạn trẻ còn mày mò, tìm hiểu và kết nối các phương thức chữa bệnh truyền thống và hiện đại bằng cây lá dược liệu cho vật nuôi như dùng tỏi, chanh, bồ kết, lá đinh lăng…
Ước mơ về một thị trường ngày càng nhiều thực phẩm sạch cứ thế thôi thúc hai bạn trẻ phải làm nhiều hơn, tốt hơn mỗi ngày. Pháp chia sẻ: “Trong dự án của chúng tôi, hàng phải có mã vạch để khi đến tay người tiêu dùng, họ chỉ cần vài cái click chuột sẽ biết được chính xác thịt con heo, con gà, con bò mà họ sắp, đang hoặc đã ăn đó được nhập chuồng ngày nào, nuôi bằng những loại thức ăn gì, được chăm sóc ra sao, ngày xuất chuồng... Điều quan trọng mà dự án chúng tôi chỉ ra nữa là giá cả của thực phẩm sạch thực chất không đắt hơn những thực phẩm thông thường được bán đại trà ngoài thị trường. Bằng tính toán và dựa trên tình hình chăn nuôi thực tế tại trang trại, chúng tôi chỉ ra giá thức ăn hữu cơ cho vật nuôi còn rẻ hơn nhiều cám công nghiệp. Chỉ có một điều, thay vì mới 3 - 4 tháng đã xuất chuồng thì ở đây chúng tôi nuôi đạt chất lượng phải 5 - 6 tháng. Chậm mà chắc và an toàn”.
Để mô hình bền vững và chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng, dự án khởi nghiệp của Long và Pháp còn tính tới việc vận động người dân quanh vùng cùng chăn nuôi theo mô hình sạch này. Riêng với hai bạn trẻ này, giấc mơ lớn về tạo dựng quy trình chăn nuôi, gieo trồng sạch khép kín, cung cấp cho thị trường sản phẩm hữu cơ minh bạch về nguồn gốc... sẽ còn tiếp tục ở nhiều bước phát triển mới.
Tâm Ngọc (Theo Thanh Niên)