Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN Tin trong ngày

Tri thức hóa hợp tác xã, nông dân để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện đại: Triển vọng việc làm cho các cử nhân ngành Kinh tế nông nghiệp

25/05/2020 00:00 - Xem: 664

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, đối với nước ta, nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh [2]. Thực hiện chiến lược đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân nông thôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Năm 2019, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đến nay, sau 10 năm triển khai, đã đạt nhiều kết quả khả quan, làm đổi thay sâu sắc diện mạo nông thôn Việt Nam. Năm 2019, tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới [2]. Người nông dân đã thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong lĩnh vực phát triển hợp tác xã, tại thời điểm 31/12/2018 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số hợp tác xã đang hoạt động động có kết quả sản xuất kinh doanh nhiều nhất với 7.033 hợp tác xã, chiếm 50,4% số lượng của toàn bộ khu vực hợp tác xã trong cả nước [3]. Các hợp tác xã đã và đang đóng góp tích cực vào tạo việc làm cho nhiều lao động, giúp gia tăng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cho nông dân.

            Bên cạnh những kết quả đạt được, một trong những thách thức lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới là sự hạn chế về kiến thức kinh tế nông nghiệp của nông dân, hợp tác xã [4]. Do đó, để thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, nông dân, hợp tác xã cần được nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Các chương trình đào tạo, tập huấn về kinh tế nông nghiệp được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để tri thức hóa nông dân, hợp tác xã. Các khóa tập huấn giúp nông dân, hợp tác xã sản xuất theo quy trình những sản phẩm, dịch vụ mà thị trường cần, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Quá trình tri thức hóa nông dân, hợp tác xã để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh hiện đại sẽ tạo ra triển vọng việc làm rất lớn cho các cử nhân kinh tế nông nghiệp tương lai.

            Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực Kinh tế nông nghiệp, chương trình đào tạo cử nhân Kinh tế nông nghiệp tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (mã ngành tuyển sinh: 7620115) luôn được đổi mới, cập nhật và phát triển để  đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xu thế hội nhập quốc tế. Chương trình nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức về các nguyên lý kinh tế, marketing, thương mại và tài chính, phân tích hoạch định chiến lược kinh doanh và tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Ngoài ra, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ các kỹ năng về đổi mới sáng tạo, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề thực tiễn, kỹ năng giao tiếp, phân tích, chuyển tải thông tin, làm việc độc lập và làm việc nhóm, kỹ năng thích ứng trong môi trường kinh doanh nhiều biến động.

            Bên cạnh đào tạo cử nhân Kinh tế nông nghiệp, Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đang tích cực tham gia vào các hoạt động chia sẻ tri thức đến cộng đồng. Khoa đang rất năng động trong việc tham gia biên soạn tài liệu, tư vấn, xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn  nâng cao trình độ chuyên môn về kiến thức kinh tế nông nghiệp cho các cán bộ hợp tác xã, nông dân tiêu biểu và cán bộ quản lý nhà nước phụ trách công tác nông thôn mới, và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các nội dung tập trung vào trang bị kiến thức, nâng cao năng lực cho hợp tác xã, nông dân trong liên kết, hợp tác thương mại, giới thiệu quảng bá nông sản; quản lý hiệu quả tài chính và nguồn nhân lực hợp tác xã; xây dựng được các phương án, sản xuất kinh doanh khả thi; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

                                                                                                      Tác giả bài viết:  Đỗ Xuân Luận

BÀI VIẾT LIÊN QUAN