Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN Tin trong ngày

Đừng Để Hình Thức Đào Tạo Trực Tuyến Chỉ Là Một Phong Trào

23/06/2020 00:00 - Xem: 986

Việt Nam bắt đầu hình thức đào tạo trực tuyến như thế nào?

Đầu năm 2020 thế giới chịu tác động nặng nề của dịch COVID 19, trong đó có ngành giáo dục. Việt Nam không là một ngoại lệ. Các cơ sở giáo dục ngừng hoạt động từ tháng 01/04/2020 [1]. Trong giai đoạn này các hình thức đào tạo trực tuyến (ĐTTT) bắt đầu được áp dụng phổ biến tại các cơ sở giáo dục với mục đích tuân thủ quy định “Giãn cách xã hội” của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn duy trì việc dạy và học. Bước đầu hình thức đào tạo này đã ít nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng cũng bộc lộ những thách thức [2]. Dù đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu, nhưng khi quy định giãn cách xã hội được gỡ bỏ đầu tháng 5 năm 2020 [3] thì dường như hình thức ĐTTT cũng được “gỡ bỏ” theo. Vậy đâu là nguyên nhân và liệu hình thức đào tạo này có cái gì hay để duy trì trong tương lai hay không? Bài viết đề cập đến những lợi ích, thách thức khi áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến tại Việt Nam và chia sẻ những cái nhìn của bản thân tác giả trong quá trình áp dụng và duy trì hình thức giảng dạy trực tuyến tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Đào tạo trực tuyến có những lợi ích gì?

Đối với các cơ sở đào tạo, lợi ích đầu tiên phải kể đến là tiết kiệm các chi phí. Các lớp học không còn phải đợi đến khi đủ số lượng người học để tránh bị lỗ mới có thể được mở nữa. Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy (dự giờ) trở nên dễ dàng và tế nhị hơn nhiều. Người học (bao gồm cả các đối tượng yếu thế) có thể nói là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất vì họ có thể học ở bất cứ nơi đâu (miễn là có thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng hoặc máy vi tính), họ có thể lựa chọn môn học/học phần mà họ thích, họ có thể học bất cứ lúc nào và ôn lại bất kỳ lúc nào họ muốn (với hình thức ĐTTT không dùng thời gian thực – real time). Trong tương lai không xa, người học kỳ vọng họ có thể nhập học tại một thời điểm nhất định, nhưng việc hoàn tất các chương trình học và tốt nghiệp không nhất thiết cùng thời gian với những người học khác [4].

Đào tạo trực tuyến có trở ngại gì?

Những trở ngại lớn có thể kể đến, bao gồm việc phụ thuộc vào công nghệ, bao gồm cả phần cứng như thiết bị, phần mềm như các giải pháp và hạ tầng công nghệ thông tin như chất lượng đường truyền Internet và iCloud. Ngoài ra, việc thay đổi hoàn toàn phương thức giảng dạy từ truyền thống sang trực tuyến khiến không ít giáo viên lúng túng, trong việc chuẩn bị học liệu, tổ chức/quản lý lớp, đánh giá kết quả học tập và tương tác với người học. Những khó khăn này cũng tương tự đối với người học. Khó khăn nhất đối với các cơ sở đào tạo là việc quản lý chất lượng đào tạo. Các tiêu chuẩn cũ để đánh giá chất lượng đào tạo dường như cần được cập nhật/bổ sung, thậm chí là thay thế và việc này mất không ít thời gian [5].

Làm thế nào để ĐTTT không chỉ là một phong trào?

Việc ban hành một khung pháp lý để quản lý hình thức đào tạo này như hướng dẫn trong Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT [6] và 12/2016/TT-BGDĐT [7], Công văn 795/BGD ĐT-GDĐH [8] là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc công nhận kết quả của hình thức đào tạo này (như Dự thảo Quy chế đào tạo trình độ đại học) mới là yếu tốt cốt lõi, bởi một thực tế là nếu kết quả của ĐTTT mà không được công nhận ngang bằng với kết quả của các hình thức đào tạo truyền thống thì sẽ không có ai học và dạy. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào CSHT nhằm thúc đẩy ĐTTT như hạ tầng công nghệ thông tin, các giải pháp ĐTTT với các chú trọng vào việt Việt hoá các nền tảng này sao cho thân thiện hơn cần được chú trọng. Lý do là thường người học ngại học, nếu học bằng công nghệ thông tin với nền tảng không phải bằng tiếng Việt thì tâm lý lại càng ngại hơn.

Các cơ sở giáo dục cần có những chiến lược trong cả ngắn lẫn dài hạn để có những thay đổi cho phù hợp. Ví dụ, việc quy định một số lượng hoặc tỷ lệ các môn học/học phần bắt buộc người học phải hoàn thành trực tuyến là có thể [9]. Việc này đã được áp dụng rất tốt tại các trường đại học trên thế giới như Đại học California của Hoa Kỳ [10], Đại học New South Wales [11], Syney [12] của Australia và hình thức đào tạo này không nên chỉ dừng ở bậc đại học. Đối với đội ngũ giáo viên, các trường cũng cần có những chính sách khuyến khích linh hoạt và phù hợp. Ví dụ như việc phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị cung cấp các giải pháp ĐTTT để tổ chức những khoá đào tạo, tập huấn việc sử dụng, quản lý và thiết kế các chương trình đào tạo, các lớp học, học phần cho đến việc chuẩn bị tài liệu giảng dạy cần được thực hiện thường xuyên. Các câu lạc bộ, diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến sẽ rất hữu ích đối với không chỉ giáo viên mà cả cho người học. Để đảm bảo chất lượng, các hình thức đánh giá linh hoạt và phù hợp cũng cần được cân nhắc và có sự tham vấn với giáo viên, người học, đặc biệt là việc xây dựng các tiêu chí đánh giá, hình thức đánh giá.

Dương Hoài An, Bộ môn QTKD, Khoa KTPTNT

BÀI VIẾT LIÊN QUAN