Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Dũng đã giới thiệu với đoàn những thành tựu đạt được của huyện trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới và chương trình OCOP; hiện toàn huyện đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện với tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt 26/26 xã; số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu có 8/8 xã; thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu có 28/28 thôn; phấn đấu được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao trong quý I năm 2024.
Về chương trình OCOP, huyện đã ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP đạt 3 sao là 100 triệu đồng, sản phẩm 4 sao 200 triệu đồng, 5 sao 500 triệu đồng để khuyến khích các đơn vị xây dựng sản phẩm OCOP,…Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ đối với sản phẩm đạt OCOP nâng hạng sao như: Hỗ trợ 100 triệu đồng cho sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao; 300 triệu đồng cho sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao và 400 triệu đồng cho sản phẩm từ 3 sao lên 5 sao. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, đến nay, tổng số sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn huyện Thọ Xuân là 32 sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm 4 sao và 31 sản phẩm 3 sao.
Đoàn công tác đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong triển khai tư vấn thực hiện chương trình OCOP ở các địa phương mà Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã thực hiện. Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phó chủ tịch huyện cảm ơn và đánh giá cao chuyến thăm, làm việc của đoàn. Đồng thời đề nghị các chuyên gia tư vấn của khoa hỗ trợ huyện trong thực hiện chương trình OCOP nói riêng và Chương trình Xây dựng nông thôn mới nói chung trong giai đoạn tiếp theo.
Chiều cùng ngày, đoàn đã đi khảo sát tại một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận sản phẩm OCOP ba sao đang chuẩn bị chuẩn hóa để đạt chuẩn OCOP bốn sao năm 2024 trên địa bàn huyện. Cùng đi với đoàn có đồng chí Nguyễn Hữu Dũng và lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các xã có liên quan trên địa bàn. Tại xã Nam Giang đoàn đến khảo sát sản phẩm Bột rau má Đồng Ngâu của Hợp tác xã Cây trồng vật nuôi Đồng Ngâu; tại xã Thọ Diên, đoàn đã tới thăm và làm việc với Cơ sở Lâm Thắm hiện có sản phẩm Bánh gai Lâm Thắm; tại xã Xuân Lập, đoàn đã tới thăm, khảo sát hoạt động của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Xuân Lập, với sản phẩm Bánh lá Răng Bừa. Bên cạnh đó, đoàn đã đến thăm mô hình trồng Bưởi Luận Văn tại xã Thọ Xương. Tại các điểm khảo sát, đoàn đã được các chủ thể OCOP và lãnh đạo các địa phương trao đổi chia sẻ các thuận lợi, khó khăn trong thực hiện chương trình OCOP và đề xuất nguyện vọng được huyện cũng như các chuyên gia tư vấn tiếp tục giúp đỡ để các sản phẩm được hoàn thiện đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP 4 sao trong năm 2024. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Dũng đánh giá cao sự nhiệt huyết, quyết tâm, năng động, sáng tạo của các chủ thể OCOP trong việc nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, bước đầu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Có thể khẳng định, chuyến công tác của nhóm chuyên gia OCOP khoa Kinh tế và phát triển nông thôn, trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã thành công tốt đẹp. Đây là cơ hội để các chủ thể OCOP có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia OCOP về phát triển chương trình OCOP. Chuyến công tác cũng góp phần mở ra mối quan hệ hợp tác giữa khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên và huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa trong thời gian sắp tới.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi làm việc.
Tin bài: Khoa KT & PTNT