Nguyên tắc miễn, loại trừ trách nhiệm
Theo Luật, trong quá trình tiến hành thử nghiệm có kiểm soát, nếu xảy ra thiệt hại, rủi ro, việc miễn hoặc loại trừ trách nhiệm được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau:
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cùng với tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia thẩm định, cấp phép và đánh giá thử nghiệm có kiểm soát, sẽ được miễn, loại trừ trách nhiệm nếu:
- Đã tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về thử nghiệm có kiểm soát;
- Có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung;
- Không biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro, hoặc đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại.
Tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân được cấp phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát cũng được miễn, loại trừ trách nhiệm nếu:
- Thực hiện đầy đủ quy định của Luật và pháp luật liên quan;
- Kịp thời thông tin, báo cáo rủi ro cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại.
Phạm vi miễn, loại trừ trách nhiệm
Các trách nhiệm được miễn hoặc loại trừ bao gồm:
- Đối với cơ quan cấp phép và tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định:
- Miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thẩm định, cấp phép, đánh giá thử nghiệm;
- Loại trừ trách nhiệm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong phạm vi thử nghiệm có kiểm soát;
- Loại trừ trách nhiệm hình sự đối với rủi ro phát sinh trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ, theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện thử nghiệm:
- Miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thử nghiệm;
- Loại trừ trách nhiệm hành chính và hình sự tương tự như đối với cơ quan thẩm định nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định.
Khẳng định chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Việc ban hành quy định về miễn, loại trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát không chỉ phù hợp với thực tiễn quốc tế mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc, an toàn cho các nhà khoa học, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là một thông điệp rõ ràng của Nhà nước về việc ủng hộ mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời cân bằng giữa rủi ro và trách nhiệm pháp lý trong môi trường đổi mới liên tục.
Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo năm 2025 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10/2025.
Tin bài: Hà Quang Trung