Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN

UBND tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến về Đề án Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2021-2025

16/10/2021 15:01 - Xem: 1380
Ngày 14/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh họp trực tuyến cho ý kiến về Đề án Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Phạm Văn Thành- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, cùng đại diện các Sở, ban, ngành tại điểm cầu UBND tỉnh. Tại các địa phương có đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và các phòng ban chuyên môn cùng dự.

 

Đồng chí Phạm Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp

 

Đại diện Trường Đại học nông lâm Thái Nguyên (đơn vị tư vấn Đề án Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (đơn vị tư vấn Đề án Chương trình Xây dựng nông thôn mới) trình bày tóm tắt dự thảo thuyết minh 02 Đề án, theo đó Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm được khởi xướng đầu tiên trong cả nước và bước đầu đã thực hiện thành công tại Quảng Ninh làm tiền đề quan trọng để nhân rộng ra địa bàn cả nước. Tính đến nay toàn tỉnh đã phát triển 477 sản phẩm và 182 tổ chức kinh tế, trong đó có 224 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó đã có 03 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Chương trình đã khơi dậy tiềm năng lợi thế sẵn có từ các sản vật địa phương, sản phẩm vùng miền, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

 

TS. Bùi Đình Hòa- Đại học Nông lâm Thái Nguyên trình bày tóm tắt Đề án OCOP giai đoạn 2021-2025

 

Giai đoạn 2010- 2020, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thu được nhiều kết quả quan trọng, toàn tỉnh đã có 92/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 22 xã và 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; diện mạo nông thôn Quảng Ninh thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, dân chủ được mở rộng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Bên cạnh những thành tựu là cơ bản, dự thảo các Đề án cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, một số kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn đến hết năm 2025.

 

Lãnh đạo các Sở, ban, ngành tham gia ý kiến vào 2 đề án

 

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 02 đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến tham gia của các đơn vị, địa phương để hoàn thiện Đề án. Đồng chí cũng lưu ý cần xác định rõ tầm và phạm vi của đề án, thống nhất quan điểm thời gian tới của cả 2 Chương trình là chuyển từ lượng sang chất, xác định rõ những thách thức trong giai đoạn tới như: vấn đề khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn, vấn đề môi trường, văn hóa tín ngưỡng. Trong xây dựng nông thôn mới cần chú ý các giải pháp để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh; cần có các giải pháp cho các địa phương đã hoàn thành nông thôn mới và các địa phương chưa hoàn thành. Đối với Chương trình OCOP cần rà soát chuẩn hóa và quy hoạch lại mạng lưới sản phẩm; tập trung đào tạo nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP; đẩy mạnh xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa, thương hiệu sản phẩm đặc trưng vùng miền...về nguồn lực phục vụ Đề án, ngoài chương trình xây dựng nông thôn mới cần tích hợp nguồn lực từ các Chương trình, Đề án ở các ngành, lĩnh vực khác đã được phê duyệt để phát huy sức mạnh tổng hợp hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN