Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN

Khoa KT&PTNT Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên hỗ trợ tư vấn cho tỉnh Hải Dương có 34 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao năm 2023

28/12/2023 21:44 - Xem: 576
Sáng 28/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023.

 

Quang cảnh hội nghị.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy định Bộ Tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), năm 2023 UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng 135 sản phẩm (trong đó 117 sản phẩm đánh giá, phân hạng lần đầu và 18 sản phẩm đánh giá, phân hạng lần thứ 2) và đã có đề nghị Sở tham mưu đánh giá phân hạng 35 sản phẩm tiềm năng 4 sao.

Đến ngày 19/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã nhận 35 hồ sơ sản phẩm của 15 chủ thể sản xuất được Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp huyện hoàn thiện hồ sơ và trình lên Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh để tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023. Tiếp đó, Tổ tư vấn Hội đồng đã tổ chức đánh giá trong 2 ngày 25 - 26/12 đối với 35 sản phẩm tiềm năng 4 sao…

 

Ông Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, Chương trình OCOP là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có 234 sản phẩm đạt chuẩn OCOP; trong đó có 1 sản phẩm đề nghị 5 sao, 95 sản phẩm 4 sao và 138 sản phẩm 3 sao.

Các đại biểu đến tham quan, cảm nhận và nhận xét các sản phẩm.

“Trên cơ sở kết quả thẩm định, đánh giá của Tổ tư vấn Hội đồng, hôm nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm tiềm năng 4 sao để đề xuất trình UBND tỉnh Ban hành Quyết định phê duyệt kết quả sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023 và Cấp giấy chứng nhận”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết.

34 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao

Tại hội nghị này, sau khi rà soát, thẩm định hồ sơ các sản phẩm tiềm năng 4 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương năm 2023, Tổ tư vấn Hội đồng đã thảo luận và thống nhất kết quả đánh giá, phân hạng cho 35 sản phẩm. Kết quả có 34 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao và 1 sản phẩm chưa đủ điều kiện đạt tiềm năng 4 sao.

Năm nay, Hải Dương có 34 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao.

Năm nay, Hải Dương có 34 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao.

Trong đó, thành phố Hải Dương có 10 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao, bao gồm bánh đậu trà xanh rồng vàng Hoàng Gia, bánh đậu xanh hương vị trái cây rồng vàng Hoàng Gia, bột đậu xanh dinh dưỡng rồng vàng Hoàng Gia, chè đậu đen cốt dừa Hoàng Gia của CTCP Hoàng Giang; kem đậu xanh, kem dừa non, kem Socola phủ hạt, kem trà sữa trân châu của CTCP kem Bình Dương; bánh đa Miền Xưa, bún khô Miền Xưa của Hợp tác xã sản xuất và đóng gói bánh đa Lộ Cương.

Thành phố Chí Linh có 1 sản phẩm là cà rốt tươi Nhân Huệ của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Nhân Huệ đạt tiềm năng OCOP 4 sao.

Huyện Gia Lộc có 1 sản phẩm là cải Kale HD Green của Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ HD Green đạt tiềm năng OCOP 4 sao.

Huyện Nam Sách có 4 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao, gồm có kem cốm đậu non, kem đậu xanh của Chi nhánh Hải Dương - CTCP công nghệ Tràng Tiền số 1; bún khô Phúc Vang, phở khô Phúc Vang của Hộ kinh doanh Vũ Phúc Vang.

Huyện Tứ Kỳ có 3 sản phẩm gồm trầm nụ Bảo Lộc, trầm hương Bảo Lộc, trầm vòng cao cấp Bảo Lộc của Công ty TNHH sản xuất thương mại và Dịch vụ Bảo Lộc đạt tiềm năng OCOP 4 sao.

Pháo đất Nghĩa An của Ban quản lý di tích đình Trịnh Xuyên (huyện Ninh Giang) thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, người dân đến xem trình diễn tại sân ngoài nơi tổ chức hội nghị.

Pháo đất Nghĩa An của Ban quản lý di tích đình Trịnh Xuyên (huyện Ninh Giang) thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu, người dân đến xem trình diễn tại sân ngoài nơi tổ chức hội nghị.

Huyện Ninh Giang có 14 sản phẩm đạt tiềm năng OCOP 4 sao, bao gồm sản phẩm Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh của Ban quản lý Di tích quốc gia đền Tranh; đình Trịnh Xuyên, pháo đất Nghĩa An của Ban quản lý di tích đình Trịnh Xuyên; giò bò Làng Bói, chả bò Làng Bói, giò bò 9’ Làng Bói, giò trâu Làng Bói, chả trâu Làng Bói, chả đĩa Làng Bói, mọc lợn Làng Bói, xúc xích Làng Bói của Công ty TNHH Tổng công ty Nông sản Việt; chả vịt Vương Dung, giò vịt Vương Dung, thịt vịt Vương Dung của Hợp tác xã thực phẩm sạch Vương Dung.

Và 1 sản phẩm chưa đủ điều kiện đạt tiềm năng 4 sao là sản phẩm múa rối nước Hồng Phong của Phường múa rối nước Hồng Phong (huyện Ninh Giang) thiếu tiêu chí về Sở hữu trí tuệ theo Bộ tiêu chí của Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023.

Nhiều tiềm năng

Theo bà Vũ Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, tại kỳ đánh giá, phân hạng lần này có rất nhiều sản phẩm mới, đặc biệt là lĩnh vực du lịch như sản phẩm Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Tranh, pháo đất Nghĩa An.

“Tuy nhiên, qua nhiều năm theo dõi và tham gia chấm điểm, sản phẩm OCOP Hải Dương chủ yếu vẫn là các sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến. Trong khi đó, tỉnh có nhiều tiềm năng về du lịch cộng đồng, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ… Các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các chủ thể của các sản phẩm này tham gia Chương trình OCOP trong thời gian tới”, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương bày tỏ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN